Các nhà khoa học bỏ đói các nhóm vi khuẩn khác nhau trong hơn 2,5 năm nhưng hầu hết trong số đó vẫn sống tốt.
Vi khuẩn có ở quanh ta và từng cá thể vi khuẩn có thể chết, nhưng cả một nhóm vi khuẩn lại rất khó để tiêu diệt. Để hiểu rõ vi khuẩn bền bỉ như thế nào, các nhà nghiên cứu ở Đại học Indiana đã xây dựng một thí nghiệm đặc biệt.
Họ thu thập khoảng 100 mẫu vi khuẩn khác nhau đại diện cho 21 loại vi khuẩn và để chúng ở một hệ thống khép kín hoàn toàn, không có nguồn thức ăn, để chúng tự sinh tồn trong 1000 ngày. Hết thời hạn, họ mở những hệ thống này ra để xem kết quả.
Lượng vi khuẩn có giảm nhưng hầu hết đã sống sót nguyên vẹn sau 1000 ngày bị bỏ đói. Một số nhóm vi khuẩn còn ổn định hơn qua thời gian và số lượng không hề thay đổi so với 200 ngày đầu tiên.
Thông thường, vi khuẩn bị bỏ đói sẽ làm chậm quy trình sinh học để tiêu ít năng lượng hơn. Một số vi khuẩn chuyển thành bào từ, một dạng sống gần như bất động và cần cực kỳ ít năng lượng để duy trì. Nhưng chúng cũng chuyển sang chế độ “ăn thịt”, chúng ăn những vi khuẩn đã chết để tiếp tục sống. Các nhà khoa học cho rằng cơ chế “ăn thịt đồng loại” này là yếu tố lớn nhất giúp vi khuẩn sống thọ.
Thí nghiệm này chỉ kéo dài 1000 ngày, nhưng dựa trên tỷ lệ suy giảm số lượng vi khuẩn, nhóm nghiên cứu ước tính chúng có thể sống sót trong khoảng 100.000 năm. Con số này bằng với thời gian có mặt trên Trái Đất của những loài động vật, thực vật cổ đại nhất.
“Dù vòng đời của vi khuẩn chỉ kéo dài từ vài phút đến vài giờ, chúng tôi dự đoán số lượng vi khuẩn có thể duy trì trong hàng trăm đến hàng nghìn năm”, tác giả nghiên cứu cho biết.
Thùy Dương (dịch)