Mùa hè năm nay khắc nghiệt tới mức nhiệt độ ở Dubai (UAE) đạt ngưỡng 48 độ C. Để đối phó với tình trạng khô hạn, các nhà khoa học đã sử dụng một phương pháp đặc biệt để làm mưa nhân tạo.
Cụ thể, họ điều khiển drone bay vào các đám mây, phóng điện để bắt đầu cơn mưa. Việc này giúp hạ nhiệt độ và cung cấp nguồn nước mà họ rất cần.

Kỹ thuật này gọi là “gieo hạt đám mây”, được thực hiện để tăng lượng mưa hằng năm tại một khu vực. Kế hoạch này nằm trong dự án có ngân sách 15 triệu USD của UAE nhằm điều chỉnh lượng mưa ở nước này.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Reading, Anh Quốc, đã chế tạo một công nghệ gieo hạt đám mây cho Dubai để tận dụng lượng mây lớn ở UAE. Họ dùng một phương tiện giống như máy bay chiến đấu không người lái bắn các luồng điện vào đám mây để những hạt nước trong đám mây dính vào nhau. Khi các giọt nước hợp lại đủ lớn chúng sẽ rơi thành mưa, giáo sư Maarten Ambaum cho biết.
Lần đầu tiên công nghệ này được sử dụng thành công là năm 1923 ở Ohio, Mĩ, do Giáo sư W.D. Bancroft từ Đại học Cornell thực hiện. Ông đã lái máy bay vào các đám mây và dùng nhiều hợp chất hóa học để gây ra sự ngưng tụ.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng sử dụng công nghệ này đồng nghĩa với việc lấy bớt mưa của những khu vực khác vì các giọt nước hợp nhất trên một khu vực cụ thể mà nếu không sẽ ngưng tụ ở một nơi khác, có nghĩa là nếu mưa trên Dubai, sẽ có ít mưa hơn ở các khu vực lân cận.
Trước khi dùng drone, UAE đã dùng một kỹ thuật gieo hạt đám mây khác là rải muối để kích thích quá trình ngưng tụ.