Sony có một bộ phận R&D riêng để lên ý tưởng cũng như phát triển sản phẩm công nghệ mới, và có vô vàn ý tưởng đã ra đời. Tuy nhiên, để đi từ một ý tưởng đến nguyên mẫu ra mắt thị trường, một sản phẩm cần đáp ứng rất nhiều tiêu chí, trong đó có tính ứng dụng. Nếu một ý tưởng rất tốt, độc đáo, nhưng lại không thể ứng dụng thực tiễn thì nó có thể trở nên kì quặc, giống những món đồ sau đây.
Sony eMarker Radio Song Identifier
Các thiết bị công nghệ được phát triển với mục đích tốt nhưng bị hạn chế bởi công nghệ tại thời điểm chúng ra đời nên vô tình trở nên kỳ quặc. Ví dụ như thiết bị nhận diện bài hát eMarket Radio Song Identifier xuất hiện vào những năm 2000, trước khi có nhiều ứng dụng như bây giờ.

Khi nghe thấy một bài hát bạn không biết tên trên đài, bạn chỉ cần ấn nút trên eMarker, sau đó kết nối thiết bị với máy tính bằng cổng USB. Dựa trên vị trí của bạn, thiết bị sẽ liệt kê tất cả các bài hát được phát trên đài địa phương vào thời điểm đó. Tuy nhiên, thiết bị chỉ cho phép bạn tìm 10 bài hát một lúc.
Sony eVilla
Ra đời năm 2001, eVilla là một chiếc máy tính đã tốn của Sony 1,5 năm để phát triển nhưng chỉ được bán trong vỏn vẹn 3 tháng. eVilla được trang bị màn hình dọc kích thước 15 inch, chip 266 MHz, RAM 64MB và không có bộ nhớ trong, chỉ có khe thẻ nhớ. Tất cả những gì nó làm được là gửi – nhận email và duyệt web. Ngược với những tính năng hạn hẹp, giá của eVilla tận 500 USD, chưa kể khoản phí 22 USD/tháng cho email và lướt web.

Sony D-88 Compact Discman
Một trong những hướng phát triển của công nghệ là thu nhỏ kích cỡ thiết bị, đó là lý do D-88 Compact Discman ra đời. Chiếc máy CD thu nhỏ này chỉ bằng một băng cát-xét, đủ gọn nhẹ để bỏ túi mang đi bất cứ đâu. Nhưng Sony đã mắc một lỗi lớn trong thiết kế: đĩa CD lộ ra khỏi máy, do đó bạn không thể vừa di chuyển vừa dùng máy được.

Sony XEL-1 OLED TV
Vào năm 2008, một chiếc ti-vi OLED với màn hình chỉ dày 3mm quả là xịn và đột phá. Nhưng đổi lại, XEL-1 đi kèm một phần chân bên dưới khá cồng kềnh để chứa cổng HDMI và các phần khác như nút ấn, loa. Thêm nữa màn hình chiếc ti-vi này chỉ vỏn vẹn 11 inch với độ phân giải 960×540 pixel, trong khi giá của nó lên tới 2500 USD.

Sony VAIO Mouse Talk VOIP Phone
Đây có lẽ là thiết bị khó hiểu nhất trong danh sách những món đồ công nghệ kỳ quặc của Sony: một chiếc điện thoại kiêm chuột máy tính.
VAIO Mouse Talk VOIP Phone được thiết kế như một con chuột bình thường nhưng có thể mở ra thành một chiếc điện thoại có đầy đủ loa và mic để nghe, gọi. Tuy nhiên, điều khiến thiết bị này trở nên ngốc nghếch là trong khi bạn dùng nó gọi điện, bạn sẽ không dùng nó như chuột máy tính được. Điều này có nghĩa là trừ khi bạn có trackpad hoặc cực giỏi dùng tổ hợp phím, con chuột kiêm điện thoại này không thực tiễn một tí nào.

Như đã nói ở đầu bài, hầu hết các thiết bị trên ra đời với mục đích tốt nhưng bị giới hạn của công nghệ cản trở. Hiện tại, chúng ta đã khắc phục và cải tiến được những khuyết điểm của chúng để tạo nên sản phẩm hoàn thiện, tiện lợi thay thế như ứng dụng nhận diện bài hát, smartphone có bộ nhớ khủng và kết nối internet để nghe nhạc mọi lúc mọi nơi, vv. Nhưng eVilla hay D-88 Compact Discman vẫn là những kỷ niệm khó quên trong tiến trình phát triển của Sony nói riêng và công nghệ nói chung.
Thùy Dương (theo gizmodo)