Các kỹ sư Nhật Bản vừa phá vỡ tốc độ internet kỷ lục thế giới sau khi đạt được tốc độ truyền dữ liệu lên tới 319 terabit/giây. Kỷ lục mới được thiết lập trên đường dây cáp quang dài hơn 3000 km.
Nhóm nghiên cứu sử dụng cơ sở hạng tầng cáp quang sẵn có và chỉ nâng cấp thêm một chút. Họ dùng 4 lõi, là các ống thủy tinh nằm bên trong sợi cáp có nhiệm vụ truyền dữ liệu thay cho lõi truyền thống. Tín hiệu được chia thành 7 bước sóng gửi đi cùng một lúc nhờ kỹ thuật WDM (ghép kênh quang theo bước sóng).

Để gửi được nhiều dữ liệu hơn, các nhà nghiên cứu dùng một băng tần thứ ba, kéo dài khoảng cách thông qua nhiều công nghệ khuếch đại quang học.
Đầu tiên, hệ thống bắn một laser chứa 552 kênh ở nhiều bước sóng. Sau đó, nó được gửi qua điều chế phân cực kép để một số bước sóng đi trước những bước sóng khác, sinh ra nhiều chuỗi tín hiệu, mỗi chuỗi được chuyển hướng tới một trong bốn lõi của cáp quang.
Dữ liệu truyền qua hệ thống này di chuyển xuyên qua 70 km cáp quang, tới bộ khuếch đại quang học để đẩy tín hiệu đi quãng đường xa hơn. Tuy nhiên, khác với quy trình thông thường, trong hệ thống này, tín hiệu đi qua 2 loại khuếch đại sợi quang được nhúng trong thulium và erbium.
Sau đó, các chuỗi tín hiệu được gửi tới một đoạn sợi quang khác và toàn bộ quá trình trên lặp lại.
Từ đó, nhóm nghiên cứu ở Nhật đã đạt được tốc độ internet cao gấp đôi kỷ lục cũ (178 Tb/s), gấp nhiều lần tốc độ NASA đang sử dụng (400 Gb/s). Điểm quan trọng là công nghệ họ sử dụng tương thích với cơ sở hạ tầng hiện tại, tức là chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng công nghệ này sẽ được áp dụng rộng rãi và giúp cải thiện tốc độ internet trên toàn thế giới.
Thùy Dương (tổng hợp)