Hàng tỷ năm trước, Trái Đất không có nhiều oxi và bầu không khí không dễ thở như bây giờ. Nếu quay lại thời đó thì loài người sẽ chết ngạt nhanh chóng.
Mức độ oxi trong không khí trên Trái Đất cũng tăng giảm thất thường qua nhiều thời kỳ và các nhà sinh vật học cho rằng vi khuẩn quang hợp đã giúp tăng lượng oxi đến mức đủ để Trái Đất “dễ thở”, nhưng giả định này không khớp với tiến trình tăng giảm oxi.

Có nhiều ý tưởng khác về nguyên nhân khiến mức oxi tăng lên, nhưng nhà sinh vật học Judith Klattc của Viện Sinh Vật Biển Mã Planck nhận thấy quá trình oxi tăng nhiều lên trùng khớp với thời gian một ngày dài ra.
Ban đầu, một ngày trên Trái Đất chỉ kéo dài khoảng 6 tiếng, rồi do sự xuất hiện của Mặt Trăng và lực hấp dẫn của nó, thời gian để Trái Đất quay hết một vòng dần tăng lên và một ngày cũng dần bị kéo dài ra thành 24 tiếng. Theo một lý thuyết khá phổ biến, có hai loại thủy triều, ở đại dương và ở khí quyển.
Hai loại thủy triều này có thể đã đối kháng và trung hòa lẫn nhau, giữ cho một ngày dài khoảng 21 tiếng cố định trong khoảng 1 tỷ năm. Và việc sản sinh oxi của vi sinh vật có lẽ đã bị ảnh hưởng bởi độ dài một ngày.
Cụ thể, khi Trái Đất xoay quá nhanh, ánh sáng ban ngày nhanh chóng tắt, vi khuẩn lam không kịp đạt được sản lượng oxi cực đại chúng có thể tạo ra. Nhưng khi Trái Đất quay chậm hơn, ban ngày dài hơn, chúng có đủ thời gian để phát huy hết khả năng sản sinh oxi của mình.
“Mức ảnh hưởng rất nhỏ, nhưng trải dài qua mỗi ngày trong hàng triệu năm, nó có thể tạo nên sự thay đổi đáng kể toàn cầu.”

Arjun Chennu, nhà sinh thái học và khoa học dữ liệu, cùng với Judith đã thử nghiệm một mô hình đơn giản. Họ thu thập mẫu thảm vi sinh từ hồ Huron, cho chúng hoạt động trong những ngày có độ dài 12, 16, 21, và 24 tiếng. Kết quả là mẫu thảm vi sinh sản sinh lượng oxi cao nhất vào ngày dài nhất.
Như vậy, giả thiết về vai trò của Mặt Trăng trong quá trình bổ sung oxi cho Trái Đất hoàn toàn hợp lý. Càng ngày chúng ta càng thấy vai trò to lớn của Mặt Trăng, vệ tinh tự nhiên của Trái Đất!
Thùy Dương (tổng hợp)