Giấy điện tử có thể hiển thị hình ảnh có màu mà lại tiết kiệm năng lượng, nhưng chúng không sống động bằng công nghệ màn hình như LCD và OLED. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây có thể thay đổi được điều này với một loại màn hình phản chiếu.
Trong một năm vừa qua, nhiều thiết bị đọc, note điện tử đã ra đời, sử dụng công nghệ màn hình giấy điện tử. Nó giống như Amazon Kindle hiển thị chữ và hình ảnh giống như trên giấy in, nhưng bây giờ có thêm màu sắc dù chất lượng mày không thể so sánh với màn hình LCD hay OLED được.

Ngay cả màn hình LCD ở smartphone hay máy tính bảng giá rẻ cũng đã cho ra được 16 triệu màu khác nhau rồi, còn màn hình giấy điện tử chỉ sản sinh được 4096 màu. Do đó, màu sắc trên hình ảnh thường không hài hòa.
Năm 2016, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Công nghệ Chalmers, Thụy Điển, đã có bước tiến lớn. Họ tạo ra một vật liệu, mỏng hơn một micromet và linh hoạt như giấy, có thể sản sinh nhiều màu như màn hình LCD.
Nhưng khác với LCD, chất liệu này không tự phát sáng, mà nó phản chiếu ánh sáng môi trường giống cách hoạt động của sách điện tử.
Nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra rằng vật liệu này có thể dùng như màn hình được mà chỉ tốn 1/10 năng lượng so với một thiết bị như Amazon Kindle.

Đến nay, 5 năm sau phát minh trên, các nhà nghiên cứu này trình bày họ đã cải thiện vật liệu trên đơn giản như thế nào: Lật ngược cấu trúc của nó. Vật liệu này được làm từ nhiều lớp, bao gồm một vật liệu xốp, cấu trúc nano, chứa vonfram trioxit, vàng, và bạch kim, sản sinh màu khi phản chiếu ánh sáng, và một lớp bổ sung độ dẫn điện để màu được làm mới và thay thế liên tục như trên màn hình LCD. Trước đó, lớp dẫn điện nằm trên cấu trúc màu nano, nhưng giờ nó nằm dưới, giúp cải thiện độ chính xác và trung thực về màu sắc.
Nếu loại giấy điện tử này có thể sản xuất hàng loạt một cách hiệu quả, nó sẽ giúp giảm tải năng lượng tiêu thụ ở thiết bị điện tử một cách đáng kể.
Thùy Dương (theo gizmodo)